Khám phá làng bích họa Tam Thanh

Tôi đến làng bích họa Tam Thanh vào một ngày cuối xuân nên tiết trời tương đối mát mẻ so với cái nắng nóng gay gắt miền Trung. Trời xanh, gió lộng, nắng vàng khắp làng quê yên bình.
Từ lúc hình ảnh về làng bích họa Tam Thanh xuất hiện trên mạng là tôi đã muốn đi ngay và luôn. Nhưng công việc và các kế hoạch còn dang dở nên mãi tận tháng 3/2017 đi Đà Nẵng có việc mới tranh thủ đến đây.
Đến làng bích họa Tam Thanh
Nhà ngoại tôi ở gần Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cách Tam Thanh 30km. Một khoảng cách không quá xa để tôi thực hiện kế hoạch tác nghiệp.
Dù đang còn xuân nhưng tiết trời khá nóng nực. Dường như cái nắng cái gió là “đặc sản” của miền Trung nên đi mùa nào cũng thấy nóng. Để không bị say nắng, tôi dậy từ sớm, thưởng thức tô mỳ Quảng đúng xứ Quảng xong lên đường.
Lúc đầu tính tự chạy xe nhưng có thằng em họ chịu làm xế nên hai chị em rong ruổi đỡ buồn. Dọc quốc lộ 1A từ đoạn Tam Hiệp đến Tam Thanh là khu dân cư và khu công nghiệp xen kẽ nên đường sá cũng đông đúc nhộn nhịp. Bất giác nhớ cái lúc chạy xe trên quốc lộ 1A từ Tuy Hòa đi Gềnh đá đĩa hay đoạn từ thành phố Nha Trang đi Vạn Ninh.
Chạy xe khoảng 30 phút, chúng tôi rời quốc lộ để quẹo phải vào đường Phan Chu Trinh, băng qua cầu vô tỉnh lộ DT614, từ đây cứ chạy thẳng 20 phút là đến Tam Thanh.
Tam Thanh chào đón tôi với vẻ yên ắng thanh bình vốn có của làng quê miền biển. Vài người sửa nhà, đan lưới, vài người làm việc nhà, đa số các nhà đều đóng cửa (chắc có lẽ họ đã đi làm từ sớm). Kế bên quán nước mà chúng tôi gửi xe là một đám tang, nhạc não nề càng làm nơi này buồn hơn. Có lẽ phải đi cuối tuần may ra mới đông vui chộn rộn vì từ Đà Nẵng/Hội An đến đây cũng không quá xa.
Vài thông tin về dự án
Cuối tháng 6.2016, một dự án hợp tác văn hóa mang đậm tính nhân văn do UBND tỉnh Quảng Nam cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện tại thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là “làm mới” một làng chài bằng các tranh vẽ trên những bức tường của 100 nhà dân. Làng biển Trung Thanh bỗng có tên mới là “làng bích họa đầu tiên tại Việt Nam”.
Kinh phí không cao, nhưng hàng chục tình nguyện viên là các sinh viên mỹ thuật đến từ Hàn Quốc đã cùng sống và vẽ với người dân địa phương hơn 1 tháng trời. Với thông điệp “Art for a better community – Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn”, các họa sĩ đã biến những mảng tường gạch cũ kỹ, mấp mô, xuống cấp… trở thành những bức họa sặc sỡ sắc màu.
Trích từ báo Người lao động.
Nhờ dự án hợp tác văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc này mà làng quê yên bình bỗng nổi tiếng khắp cả nước.
Khám phá làng bích họa Tam Thanh
Không quá khó để tìm các bức họa ở đây nhưng bạn phải chịu khó để ý và đi các con hẻm từ đường chính ra biển mới có thể “check-in” đầy đủ.
Từ đầu làng là bé gái với chùm bóng bay trước cửa tiệm tạp hóa.
Dọc đường chính
Đây có lẽ là bức họa đẹp nhất làng
Thiếu nữ và hoa sen
Ngôi nhà rực rỡ
Máy bay giấy
Hẻm ra biển
Đại dương
Rừng đen
Người ta đi biển có đôi
Tôi nay đi biển lôi thôi một mình
Yêu quá em bé ơi!
Thuyền và biển
Thuyền ở đây thiết kế hơi khác các miền biển khác mà tôi đã đi qua
Một đoạn đường sắc màu
Đến cuối làng bích họa sẽ có cổng chào.
Nhờ khoác lên bộ áo mới mà làng chài trở lên sinh động và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên qua thời gian, các bức họa bắt đầu lem luốc và hư hỏng.
Bên cạnh những ngôi nhà rực rỡ sắc màu, vẫn còn đó những ngôi nhà cổ như ở Hội An
Tượng đài mẹ Thứ
Mục đích của tôi đến Tam Thanh chỉ để biết đến làng bích họa Tam Thanh nhưng vì tượng đài mẹ Thứ ở gần đó nên thằng em chở qua giới thiệu luôn.
Thú thật tôi không biết mẹ Thứ cho đến khi công trình này được đưa vào khai thác với con số 411 tỷ đồng cho việc xây dựng! Chắc đây là một trong những ý nghĩa TO và LỚN mà công trình đem lại cho người dân như tôi.
“Vốn ban đầu dự tính là 55 tỷ đồng, nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đã đội giá lên 120 tỷ đồng. Năm 2011, tỉnh Quảng Nam ra quyết định bổ sung 330 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411 tỷ đồng, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu, nhằm xây dựng công trình quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á.” –> để làm gì??? Tôi không hiểu người ta cứ đẻ ra ba cái công trình tưởng niệm trăm tỷ, nghìn tỷ rồi lại bỏ không trong khi biết bao cuộc sống ngay tại nơi đó vẫn còn khó khăn thiếu thốn. Phải chăng dưới góc nhìn của dân đen, tôi chỉ thấy được vấn đề cơm áo gạo tiền mà nhiều người vẫn phải nai lưng mưu sinh mỗi ngày mà không thấy được cái TO cái LỚN của công trình đem lại?!
Thôi bỏ. Không thích thì không tham quan.
Vái vọng mẹ Thứ từ xa, con về.
Vẫn còn nhiều bức họa khác chờ bạn khám phá tại Facebook.
Vui lòng đăng nhập để bình luận về địa điểm
Hãy là người đầu tiên bình luận về địa điểm này!