Sa Pa - Thành phố sương mù
Sa Pa, Lào Cai
Hình ảnh
Giới thiệu
1. Thời điểm nên đi du lịch SaPa
Sapa có khí hậu mát mẻ quanh năm, một ngày ở đây bạn sẽ được trải qua 4 mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông. Cho nên bạn có thể đến Sapa vào bất kỳ thời điểm nào. Nhưng tốt nhất, thì bạn nên đến Sapa vào:
Khoảng tháng 3 – 5 và tháng 9 – 11: thời điểm này thời tiết ở Sapa là đẹp và ổn định nhất. Ngoài ra, những khoảng thời gian này ở Sapa còn có một số lễ hội rất đặc sắc nữa.
Ảnh: Lê Thanh Từ
Tháng 4 và tháng 5: là thời điểm cấy lúa của bà con dân tộc nơi đây, cảnh cấy lúa trên ruộng bậc thang rất đẹp. Đặc biệt, đây là mùa mà các loài hoa ở Sapa bắt đầu nở rộ. Nếu bạn thích chụp ảnh thì hãy đi vào thời gian này.
Cuối tháng 9 là mùa lúa chín. Vào thời gian này, cả Sapa như khoác một lớp áo vàng óng tuyệt đẹp. Theo kinh nghiệm du lịch Sapa của nhiều dân phượt và khách du lịch thì đây là thời điểm nên đi Sapa nhất.
(Ảnh - internet)
2. Các địa điểm tham quan
Ruộng bậc thang SaPa:
Điểm đến du lịch mới lạ ở vùng cao nguyên hiện nay không thể không kể đến ruộng bậc thang Sa Pa. Đã nhiều lần lọt vào những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất của châu Á và thế giới, do tạp chí du lịch bình chọn.
Đỉnh Fanxipan
Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam
Cầu Mây
Cầu Mây được làm bằng Mây và Song (các loại cây leo trong rừng) cách thị trấn Sa Pa khoảng 17 km về phía Đông Nam, từ đường lớn, du khách đi theo con đường mới mở tuy hơi dốc và cua nhiều, nhưng đường đến Tả Van giờ đã được mở rộng rất thuận tiện.
(Ảnh - internet)
Thác Bạc
Thác Bạc có độ cao hơn 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang và đây cũng được coi là nguồn gốc tên gọi của thác. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc
(Ảnh - internet)
Cồng Trời
Nằm ở biên giới của huyện Sa Pa giáp với Lai Châu, có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Fansipan và nhìn xuống thung lũng Ô Quý Hồ, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.
Thung lũng Mường Hoa
Thung lũng dài rộng và đẹp nhất Sa Pa với các bản làng trù phú, các thảm ruộng bậc thang trải dọc theo con suối Mường Hoa
(Ảnh - internet)
Nhà thờ đá SaPa
Được xây dựng vào năm 1935 do cha cố Ramond quyên góp. Năm 1945 bị Pháp ném bom. chỉ riêng ngọn tháp chuông là còn đứng vững. Sân trước nhà thờ là nơi đồng bào dân tộc thường mua bán trao đổi, trò chuyện và nghỉ ngơi.
Núi Hàm Rồng
Dải núi thấp bên lưng thị trấn Sa Pa có hình miệng rồng. Chỉ cần 15 phút là leo tới đỉnh núi, có các vườn đào cổ thụ, vườn phong lan, có khu vườn của hàng ngàn tháp đá kỳ lạ vươn cao như nhưng cánh rừng gọi là Thạch lâm. Từ đây nhìn xuống thị trấn Sa Pa và toàn bộ khung cảnh bao la hùng vĩ của Hoàng Liên Sơn
(Ảnh - internet)
Động tả phìn
Chiếc hang rộng và bí hiểm nhất ở Sa Pa nằm ngay sát bản Tả Phìn của dân tộc Dao, nơi có nghề thêu quần áo thổ cẩm tuyệt đẹp, có các cánh rừng thông xanh mát phủ kín những sườn núi bao la.
Làng thổ cẩm Tả Phìn
Làng thổ cẩm Tả Phìn nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt còn hấp dãn khách du lịch bởi làng nghề thổ cẩm nổi tiếng
(Ảnh - internet)
3. Ăn gì khi đến SaPa
Trong rất nhiều ấn tượng mà du khách khi rời xa thị trấn xinh đẹp trong mây không thể quên – đó là cá Hồi nướng, thịt lợn cắp nách quay, thịt lợn hun khói, nấm hương tươi xào thịt… và đặc biệt là các món ăn được chế biến từ rau xanh là những món ăn mà bất kì du khách nào khi đặt chân đến mảnh đất này một lần thưởng thức cũng phải trầm trồ thán phục vì hương vị tươi nguyên, thơm ngọt riêng của mỗi loại
4. Các lễ hội đặc sắc của các dân tộc tại Sapa
Với 6 dân tộc anh em sinh sống cùng nhau, mỗi năm ở Sapa có hàng chục lễ hội của đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó (Phù Lá). Mỗi lễ hội lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng đầy màu sắc, nếu may mắn đến Sapa vào đúng các thời điểm các lễ hội này được tổ chức bạn có thể bớt chút thời gian ghé thăm để hiểu thêm về cuộc sống cũng như phong tục của người dân nơi đây
5. Các lưu ý khi đi du lịch SaPa
- Một số vật dụng cá nhân cần thiết bạn nên mang theo khi đi du lịch Sapa : một chiếc áo gió và một khăn quàng cổ mỏng (bởi thời tiết Sapa dù có vào mùa hè cũng vẫn hơi se lạnh), mũ hoặc ô để che mưa nhỏ hoặc che sương, một chiếc đèn pin nhỏ để sử dụng buổi tối hoặc những khi vào hang. Các bạn có thể tham khảo bài viết Mang gì khi đi phượt.
- Mang theo nhiều hơn 1 loại giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu hoặc mang thêm 1 bản photo công chứng) và bằng lái xe nếu bạn muốn thuê xe máy đi khám phá Sapa bởi bạn sẽ cần 1 bản đặt cho bên thuê xe, 1 bản đặt ở khách sạn.
- Đặt phòng khách sạn online trước nếu có ý định đi vào mùa cao điểm, lợi thế của việc này là bạn có thể đặt trước trong một khoảng thời gian dài có thể là cả tháng, tránh việc sát ngày đi nhưng không thể đặt hoặc phải đặt phòng với giá cao.
- Tương tự với việc đặt khách sạn bạn cũng nên đặt vé tàu hoặc vé xe khách đi Sapa sớm để tránh bị hết vé, đối với vé tàu nên mua ở ga Trần Quý Cáp hoặc mua thông qua các công ty du lịch, đối với vé xe khách thì nên đặt trước khoảng 1 ngày với ngày thường và 10 ngày với các dịp lễ
- Ở Sapa tình trạng chèo khéo khách du lịch mua đồ đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của Sapa trong mắt du khách, nếu bạn không có ý định mua quà lưu niệm thì nên dứt khoát ngay từ lần đầu tiên, đừng xem rồi không mua bởi lúc đó người dân sẽ đeo bám rất lâu có thể gây cảm giác khó chịu. Khi vào bản không cho tiền trẻ em cho dù chúng nó lẽo đẽo theo bạn cả km
Hình ảnh: internet
Đánh giá, review về địa điểm

Hãy là người đầu tiên bình luận về địa điểm này!
Vui lòng đăng nhập để bình luận về địa điểm